Điều trị nám bằng laser là công nghệ làm đẹp hiện đại hiệu quả
Hiện nay, đông đảo chị em phụ nữ tin tưởng lựa chọn cách trị nám bằng laser vì mức độ hiệu quả mà phương pháp này mang lại. Trong liệu pháp công nghệ cao này, nám da sẽ được loại bỏ nhanh chóng chỉ sau một vài buổi điều trị. Tuy nhiên, để ngăn ngừa các nguy cơ rủi ro sau khi trị nám bằng laser, bạn cần tuân thủ chặt chẽ quy trình chăm sóc da và chế độ ăn uống mà bác sĩ khuyến cáo.
1. Điều trị nám bằng laser là công nghệ gì?
Trị nám bằng laser là việc sử dụng ánh sáng có nguồn năng lượng thấp giúp phá huỷ nhanh chóng các hắc sắc tố melanin thành những hạt nhỏ li ti, từ đó đào thải chúng ra bên ngoài một cách dễ dàng. Theo đánh giá của các chuyên gia da liễu, phương pháp điều trị nám bằng laser thường mất ít thời gian hơn so với những cách thông thường khác, có thể cho kết quả rõ rệt chỉ sau một vài liệu trình điều trị.
Ngoài ra, laser còn có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của các tế bào da, mang lại làn da căng bóng và láng mịn cho chị em sau khoảng 1 – 2 tuần trị liệu. Do đó, laser đã và đang trở thành một liệu pháp giúp xử trí nám da tối ưu nhất trong thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, áp dụng laser trị nám thường khó có thể loại bỏ tận gốc nguyên nhân hình thành nám. Mặt khác, độ an toàn và hiệu quả mà biện pháp này mang lại cũng phụ thuộc đáng kể vào kinh nghiệm cũng như tay nghề của bác sĩ. Do đó, trước khi quyết định điều trị nám bằng tia laser, chị em cần tìm hiểu kỹ cơ chế hoạt động của phương pháp này và lựa chọn cơ sở uy tín để thực hiện.

2. Điều trị nám bằng laser có an toàn và hiệu nghiệm không?
Thực tế, laser là phương pháp trị nám hiệu quả, tuy nhiên mức độ duy trì công dụng không được lâu dài, còn tùy thuộc nhiều vào mức độ nám và chế độ chăm sóc da của bệnh nhân sau trị liệu. Giống với phương pháp lột da bằng hoá chất, laser có khả năng làm mờ dần các vết nám theo thời gian nhưng không tác động trực tiếp được vào quá trình sản xuất hắc sắc tố melanin của cơ thể.
Do đó, nếu sau điều trị mà chị em thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố làm kích hoạt “nhà máy” sản xuất melanin sẽ khiến tình trạng nám da dễ dàng quay trở lại.
Mặt khác, điều trị nám bằng laser cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ra các tác dụng phụ ngoại ý sau:
- Gây đau rát: Sau khi laser, người bệnh thường thấy đau rát và nóng bỏng ở trên vùng da được điều trị. Cảm giác này có thể xuất hiện trong vòng vài tiếng sau khi kết thúc buổi trị liệu.
- Bỏng da: Khi laser trị nám, một số chị em có nguy cơ bị bỏng da do người thực hiện kỹ thuật không sử dụng đúng năng lượng. Nếu bỏng da nghiêm trọng có thể để lại sẹo lõm trên gương mặt, gây mất thẩm mỹ.
- Đỏ da: Đây là phản ứng thường thấy sau khi thực hiện laser loại bỏ nám. Theo bác sĩ da liễu, đỏ da là một đáp ứng bình thường của da đối với tia laser và chỉ xuất hiện trong vòng vài giờ cho đến vài ngày.
- Rối loạn sắc tố da: Sau quá trình tác động cơ học của tia laser, bệnh nhân có nguy cơ gặp phải tình trạng tăng hoặc giảm sắc tố, thậm chí mất sắc tố.
Nhằm ngăn ngừa và hạn chế tối đa các tác dụng phụ ngoại ý được đề cập ở trên, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện thêm biện pháp điện di lạnh và kết hợp đắp mặt nạ hồi phục da ngay sau khi bắn tia laser trị nám. Bên cạnh đó, chị em cũng cần tuân thủ chặt chẽ mọi chỉ dẫn của bác sĩ về các cách chăm sóc da tại nhà sau laser để sớm có làn da sạch nám.

3. Hướng dẫn quy trình trị nám bằng laser
Hiện nay, quy trình trị nám bằng laser thường được thực hiện tại các bệnh viện da liễu, thẩm mỹ viện hoặc các spa làm đẹp. Laser có thể khắc phục nám da mà không gây tổn thương đến những mô khoẻ mạnh xung quanh. Trước khi tiến hành điều trị, bác sĩ sẽ trao đổi cụ thể về loại laser phù hợp với mức độ nám da của bạn.
Sau đây là các bước điều trị nám bằng laser theo đúng quy chuẩn:
- Sau khi khám da, bác sĩ sẽ làm sạch vùng da cần điều trị của bệnh nhân.
- Làm tê vùng da có nám bằng kem gây tê.
- Tiến hành xóa nám bằng máy laser.
- Làm mát vùng da sau laser nhằm giảm thiểu các kích ứng và những tổn thương do nhiệt tại các tế bào da xung quanh.

4. Nên kiêng ăn gì sau khi điều trị nám bằng laser?
Sau khi hoàn thành buổi laser trị nám, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên về chế độ ăn uống phù hợp giúp chị em sớm hồi phục da và ngăn ngừa các tai biến khác.
Dưới đây là một số thực phẩm mà bạn cần tránh tiêu thụ sau khi thực hiện laser:
- Các chất kích thích: Bạn cần tránh sử dụng các chất kích thích như nước ngọt có gas, bia, rượu, cà phê,… sau khi trị liệu bởi những chất này có nguy cơ gây tích tụ độc tố trong cơ thể, và thúc đẩy nhanh chóng tình trạng lão hoá da dẫn đến nám sạm.
- Thực phẩm cay nóng: Ăn nhiều thực phẩm cay nóng có thể khiến làn da sau laser lâu hồi phục và giảm khả năng tái tạo da.
- Hải sản: Một số loại hải sản có thể gây kích ứng vết thương sau laser, khiến vùng da trở nên chậm lành hơn.
- Thịt bò: Trong thịt bò có chứa một lượng lớn protein, dễ gây thâm và sậm màu cho những vùng da vừa điều trị bằng laser.
- Trứng: Trong quá trình lên da non sau laser, nếu chị em ăn trứng có thể làm tác động tiêu cực đến sắc tố da và khiến da trở nên không đều màu.
- Rau muống: Tiêu thụ rau muống trong khoảng thời gian phục hồi da sau laser sẽ dễ gây sẹo lồi, do đó chị em cần tránh ăn loại rau này.
- Đồ nếp: Một số loại đồ nếp như bánh chưng, xôi,… có tính nóng và dễ khiến vết thương mưng mủ, do đó bạn cần tránh tiêu thụ những thực phẩm này sau khi điều trị nám bằng laser.

5. Chăm sóc làn da đúng cách sau khi điều trị nám bằng laser
Như đã đề cập ở trên, khi thực hiện laser loại bỏ nám, bạn sẽ gặp phải phản ứng phổ biến nhất là đỏ da và sẽ tự biến mất sau khoảng vài ngày. Tuy vậy, hiện tượng tăng sinh melanin để bảo vệ da có thể xuất hiện do phản ứng viêm sau khi vùng da nhận điều trị chịu sự tác động cơ học của laser. Khi lượng melanin tích tụ một số lượng lớn trên da sẽ làm hình thành nên các đốm mảng sẫm màu và dẫn đến tình trạng tăng sắc tố.
Để đảm bảo vùng da được điều trị bằng laser sớm phục hồi và không để lại bất kỳ biến chứng nào, bạn cần thực hiện đúng các bước chăm sóc da sau đây:
Bước 1: Làm sạch da cẩn thận
Sau khi điều trị nám bằng laser, chị em cần chú trọng đến khâu làm sạch da nhằm giúp loại bỏ bụi bẩn, sợi bã nhờn và vi khuẩn gây tắc lỗ chân lông dẫn đến sự hình thành của mụn viêm. Tuy nhiên, trong những ngày đầu sau trị liệu, bạn cần tránh dùng các sản phẩm tẩy rửa mạnh, thay vào đó lựa chọn loại sữa rửa mặt tạo bọt dịu nhẹ để tránh gây tổn thương da.
Bước 2: Dưỡng ẩm da
Dưới sự tác động của tia laser, hàng rào bảo vệ làn da sẽ bị hạn chế chức năng hoạt động tạm thời, do đó da mặt rất dễ gặp phải tình trạng mất nước. Sau bước làm sạch da, bạn cần cấp ẩm cho da nhằm giúp ngăn ngừa hiện tượng khô da, bong tróc da và giúp da sớm hồi phục. Nhằm nâng cao hiệu quả, bạn có thể phối hợp dùng thêm các tính chất hoặc serum làm trắng da.
Bước 3: Chống nắng cho da
Chống nắng là một bước không thể thiếu cho những làn da vừa mới điều trị nám bằng laser, bởi vào thời điểm này da thường mỏng và yếu. Bạn nên dùng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên nhằm mang lại hiệu quả bảo vệ da sau laser cao nhất. Trước khi ra ngoài nắng, bạn nên thoa kem chống nắng ít nhất từ 20 – 30 phút và nên thoa lại sau khoảng 2 tiếng nếu cơ thể đổ nhiều mồ hôi hoặc hoạt động dưới nước. Bên cạnh đó, chị em cũng nên sử dụng loại khẩu trang tối màu thay vì khẩu trang sáng màu nhằm cản tia cực tím hiệu quả hơn.
Bước 4: Thiết lập một chế độ ăn uống và nghỉ ngơi khoa học
Sau khi điều trị nám bằng laser, việc xây dựng thói quen ăn uống và nghỉ ngơi lành mạnh là điều vô cùng quan trọng, giúp làn da sớm hồi phục. Bạn nên tích cực tăng cường các loại rau xanh, trái cây giàu vitamin và các chất chống oxy hóa như cam, quýt, bưởi, lê, dưa hấu,… Ngoài ra, bạn cũng cần hạn chế thức khuya để ngăn ngừa sự hoạt động của các hắc sắc tố melanin gây nám.
Như vậy, điều trị nám bằng laser đã được chứng minh về độ hiệu quả cũng như những công dụng làm đẹp tích cực khác mà phương pháp công nghệ cao này mang lại. Để sớm có làn da sạch nám, chị em cần lựa chọn cơ sở điều trị uy tín và thực hiện chế độ chăm sóc da chu đáo theo đúng khuyến nghị của bác sĩ.